Nhiều người nghĩ, trồng nấm rơm trên núi khó thành công bởi xa nguồn nguyên liệu và đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Thế nhưng, hướng đi táo bạo của gia đình anh Lê Trọng Khánh ở thôn Tân Hữu, xã Tân Liên (Hướng Hóa - Quảng Trị) đã thành công, mở ra hướng làm kinh tế mới đầy hứa hẹn cho người dân nơi đây...
Theo chân anh Phạm Cáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm rơm của anh Khánh. Trong căn nhà khang trang nằm ở cuối thôn Tân Hữu, anh Khánh đang miệt mài chăm sóc từng bịch nấm.
Theo chân anh Phạm Cáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm rơm của anh Khánh. Trong căn nhà khang trang nằm ở cuối thôn Tân Hữu, anh Khánh đang miệt mài chăm sóc từng bịch nấm.
“Tình cờ một lần xem ti vi, tôi thấy mô hình này dễ thực hiện lại cho hiệu quả kinh tế cao nên bàn với vợ thực hiện thí điểm ngay tại nhà để vừa có việc làm, vừa tăng thêm thu nhập”, anh Khánh mở đầu câu chuyện.
Từ đó, anh khăn gói về TP. Đông Hà học nghề trồng nấm. Ngay vụ trồng thử nghiệm đầu tiên, nấm rơm đã tỏ ra thích nghi với khí hậu mát mẻ nơi đây nên phát triển khá tốt. Từ đó, anh chị mạnh dạn chặt bớt 10 gốc càphê đang độ tuổi thu hoạch, dựng một ngôi nhà kiên cố khoảng 70 m2 để trồng nấm. Ban đầu thấy anh chị chặt càphê làm nhà trồng nấm, nhiều người trong xóm tỏ ra ái ngại, lo lắng cho quyết định này.
“Có người bảo với chúng tôi rằng, nấm rơm có đáng bao tiền mà phải đánh đổi bằng nhiều gốc càphê đang độ thu hoạch. Rồi sản phẩm nấm làm ra biết tiêu thụ ở đâu, thậm chí sẽ khó khăn trong khâu mua nguyên liệu vì địa bàn xa cách đồng bằng...”, anh Khánh nhớ lại.
Tháng 11/2012, anh chị quyết định dùng tất cả số tiền tích cóp được xây bể xử lý rơm, hệ thống phun sương tạo độ ẩm, hệ thống đèn chiếu sáng để bắt đầu trồng nấm. Để có nguyên liệu sản xuất, anh lặn lội về đồng bằng mua từng xe tải rơm dự trữ cho việc sản xuất quanh năm.
Anh Khánh cho biết, kỹ thuật trồng nấm rơm không phức tạp và khó như nhiều người nghĩ. Rơm mua về loại bỏ những cọng thối, thâm đen, sau đó chặt thành từng khúc nhỏ (khoảng 10-20cm) cho vào bể chứa nước vôi ngâm rồi đem ủ trong vòng 8 ngày. Đem rơm đã ủ chờ ráo nước rồi cho vào bịch nylon (thông thường có kích cỡ 15x20cm), tiếp theo là cấy meo vào bịch. Công đoạn tiếp theo là đem bịch nấm đã cấy meo vào nhà chuyên dụng treo lên thành giàn rồi chờ thu hoạch. Khoảng 1 tháng sau ngày cấy men thì nấm bắt đầu cho thu hoạch và có thể thu hoạch liên tiếp trong 3 tháng liền. Trong thời gian ấy, cần thường xuyên quan sát, theo dõi nấm để có biện pháp tăng hay giảm độ ẩm nhằm chống hiện tượng thối thân nấm.
“Một bịch meo nấm hiện có giá 25.000 đồng nhưng có khả năng cho thu hơn 15kg nấm tươi (giá từ 40.000-45.000 đồng/kg), vì vậy người trồng nấm có thu nhập tương đối khá”.
Nấm rơm là thực phẩm có lợi cho sức khỏe lại không sử dụng bất cứ hóa chất nào trong sản xuất nên người tiêu dùng rất yên tâm. Chính vì vậy mà sản phẩm của gia đình anh Khánh làm ra được thị trường tiêu thụ mạnh. Với trên 3.000 bịch nấm cho thu hoạch quanh năm nên ngày nào gia đình anh Khánh cũng thu hơn 500.000 đồng từ nấm rơm.
Chị Trương Thị Ngọc Lài, vợ anh Khánh cho hay: “Sản phẩm mình làm ra được các chợ đầu mối trong xã thu mua với giá cả hợp lý nên nghề này chẳng phải lo lắng đầu ra”.
Trồng nấm rơm có thu nhập cao lại tiết kiệm được thời gian chăm sóc nên anh chị mạnh dạn mở thêm trang trại nuôi lợn sinh sản kết hợp làm vườn ươm càphê và chăn nuôi gà. Công việc này cũng mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Với tổng thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng nên kinh tế của gia đình anh Khánh ngày một khấm khá, 3 đứa con được ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Phạm Cáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên nhận xét: “Mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Khánh là mô hình làm ăn khá hiệu quả và khoa học, mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân nơi đây. Chúng tôi sẽ khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện mô hình này để thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững”.
Trần Nhơn Bốn