TT - Nhiều nông dân tại ĐBSCL khóc ròng vì hàng trăm ngàn bịch phôi nấm hư hỏng phải đổ bỏ.
Trong khi nông dân nóng lòng muốn được đền bù thiệt hại để tái sản
xuất thì các đơn vị cung cấp phôi, meo nấm lại đùn đẩy trách nhiệm,
không thống nhất phương án đền bù.
Theo các cơ sở sản xuất bịch phôi, họ chấp nhận đền bù thiệt hại cho
nông dân nhưng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công
nghệ (NCƯD&DVKHCN) Tiền Giang - đơn vị cung cấp meo - phải chịu
trách nhiệm liên đới do phôi hư là do meo.
Thiệt đủ đường
Là một trong nhiều người dân bị thiệt hại nặng do 14.000 bịch phôi
nhập về không cho nấm, mấy ngày nay anh Phạm Trần Đăng Khoa (huyện Chợ
Gạo, Tiền Giang) như người mất hồn khi bao nhiêu vốn liếng đổ vào trại
nấm nay coi như mất tất cả.Nhìn trại nấm trống hoác vì phôi đã mang ra ngoài đổ bỏ, anh Khoa thẫn thờ cho biết thấy nhiều người nói trồng nấm dễ lời nên vợ chồng gom hết tiền cưới và vay mượn thêm được hơn 120 triệu đồng để xây nhà trồng và mua phôi, nhưng nay đã đổ bỏ đến 90%, số còn lại vẫn không bịch nào ra nấm.
“Lần đầu tôi tốn 90 triệu đồng cho hơn 14.000 phôi nhưng sau hai tháng nuôi 90% bịch phôi không cho nấm, lần thứ hai thêm 8.000 bịch phôi nhưng phôi vẫn tiếp tục chết. Chờ đợi mòn mỏi sau gần ba tháng trời không thu được một đồng, giờ lãi mẹ đẻ lãi con không biết cầu cứu ai” - anh Khoa nói như khóc.
Tiền phôi, công sức hơn hai tháng trời, trại nấm bỏ không vì cạn tiền để đầu tư phôi mới khiến nhiều nông dân lao đao. Mới chập chững bước vào nghề nấm một năm nay, chưa kịp thấy được đồng lời, ông Nguyễn Văn Minh (An Thạnh, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đã nhận một vố đau.
Nhìn đống phôi đổ bỏ chất cao như núi, anh Phạm Trần Đăng Khoa (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết bao nhiêu vốn liếng đổ vào trại nấm nay tan theo mây khói - Ảnh: Nguyễn Trí |
Trong khi đó, với hơn 80.000 bịch phôi bỏ cho nông dân bị hư hại, ông Nguyễn Văn Tân (Chợ Gạo, Tiền Giang) dù chỉ làm đại lý trung gian nhưng mấy ngày qua không dám nghe điện thoại bởi hàng chục khách hàng ở các tỉnh bức xúc.
Theo ông Tân, hơn tháng qua ông phải chạy đôn chạy đáo xuống các trại bị thiệt hại để ghi nhận thì hầu hết phôi không cho nấm, nhiều trại đống phôi chất cao như núi nhưng hiện chỉ bồi thường một vài trại với số lượng ít do đơn vị sản xuất chưa cung cấp phôi.
Cơ sở nói có, trung tâm nói không
Cam kết bồi thường cho nông dân
“Chúng tôi cũng sẽ đền bù 100% thiệt hại cho khách hàng giống như cam kết điều khoản ký trong hợp đồng là bịch phôi sau 45 ngày nếu không cho nấm, cơ sở sản xuất phải bồi thường, nhưng do năng lực sản xuất của cơ sở có hạn nên không thể đền bù cùng một lúc” - ông Luận khẳng định. |
Theo ông Luận, ba tháng gần đây ông lấy meo từ Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang để cấy vào 220.000 bịch phôi, nhưng đến 99% những bịch phôi này được khách hàng phản hồi không cho nấm, gây thiệt hại trên 700 triệu đồng.
Mất hơn 400 triệu đồng vào mười lứa phôi thất bại với hơn 100.000 bịch phôi đổ bỏ, ông Nguyễn Thanh Nhàn (Xuân Hòa, Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, Long An) cho biết meo lấy của trung tâm này chết từ đầu năm nhưng trung tâm không nhận trách nhiệm khiến cơ sở tin tưởng nhập meo tiếp. Thế nhưng các tháng tiếp theo meo vẫn chết với số lượng ngày càng nhiều...
“Nhập meo của nguồn khác về cấy song song với meo của trung tâm, trong một điều kiện nuôi trồng như nhau, chất lượng bịch phôi giống nhau nhưng phôi cấy meo nguồn khác cho nấm gần 100%, còn phôi cấy meo của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang chết gần hết” - ông Nhàn bức xúc.
Theo ông Nhàn, hiện Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang cho biết chỉ bồi thường tiền meo từ tháng 5 đến tháng 7, ông và nhiều cơ sở khác có thể chấp nhận số lượng meo bị thiệt hại dù thực tế lớn hơn rất nhiều nhưng không đồng ý với cách tính của trung tâm.
“Giá một meo chỉ 250 đồng nhưng chi phí sản xuất phôi của tôi gần 3.300 đồng/bịch, bịch phôi sau khi cấy meo bán ra 4.000 đồng. Vì meo mà phôi hư, ít nhất trung tâm phải đền bù 30-35% tổng giá trị thiệt hại” - ông Ngô Văn Sáng, chủ một cơ sở cung cấp phôi nấm ở Long An, đặt vấn đề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, dù nhận meo bị thoái hóa là nguyên nhân gây ra hiện tượng phôi không cho nấm nhưng ông Nguyễn Tuấn Phong - giám đốc Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang - vẫn cương quyết cho rằng tỉ lệ hư hại không thể cao như các cơ sở phản ánh.
“Tại trung tâm vẫn sản xuất bịch phôi xuất bán và cấy loại meo giống như xuất bán cho các cơ sở nhưng tỉ lệ phôi bị nhiễm (không cho nấm) khoảng 33,4%. Lỗi có thể còn do các bịch phôi của các đơn vị không đạt chất lượng” - ông Phong nói.
Trả lời câu hỏi tại sao tháng 5 đã ghi nhận hàng trăm ngàn bịch phôi cấy meo của trung tâm không cho nấm nhưng đến đầu tháng 8 mới ngưng bán meo và sau đó mới thừa nhận lỗi, ông Phong cho rằng do cán bộ kỹ thuật trung tâm quá chủ quan vì đinh ninh là do chất lượng bịch phôi.
“Thông thường, nếu do meo thì bịch phôi được cấy sẽ không kéo tơ trắng, nhưng trường hợp này phôi vẫn kéo trắng nên trung tâm không phát hiện kịp thời. Mấy tháng qua, chính trung tâm cũng phải đền trên 113 triệu đồng tiền phôi hư hỏng cho khách, đây là bài học xương máu” - ông Phong khẳng định.
Theo ông Phong, hiện tượng meo cấy vào phôi không cho nấm là rất phổ biến và người bán meo không ai chịu trách nhiệm nếu thiệt hại xảy ra, hiện trung tâm đã chấp nhận đền bù 100% tiền meo cho các đơn vị mua từ tháng 5 đến ngoài tháng 7. Nếu các đơn vị không đồng ý, trung tâm sẽ tiếp tục thương lượng mức đền bù.