Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Gặp “vua nấm bào ngư” trên đất Tây Đô

(Dân trí) - Từ một giáo viên dạy môn Vật lý, vì cuộc sống mưu sinh, ông lặn lội lên vùng đất “ngàn hoa” Đà Lạt lập nghiệp. Từ đây, cái tên “nấm bào ngư” bắt đầu gắn bó cùng với ông suốt 30 năm trời.

Ông Nghĩa bên những chai giống nấm bào ngư.

 

 

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Phan Thừa Nghĩa (59 tuổi) kể lại mối duyên của mình với nấm bào ngư. Ông cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý ở TPHCM, ông đi dạy học một thời gian. Nghề giáo không đủ nuôi gia đình, ông quyết định lên Đà Lạt (Lâm Đồng) tìm hướng mưu sinh khác. Tại đây, ông xin vào làm thuê cho một cơ sở trồng, sản xuất nấm bào ngư của Pháp. Đó là khoảng năm 1979.

Làm ở đây chừng 3 năm, thấy nghề trồng và sản xuất loại nấm này hấp dẫn, cho lợi nhuận cao nên ông Nghĩa lại quyết định bỏ Đà Lạt về Long Khánh (Đồng Nai), tích lũy kinh nghiệm trồng nấm bào ngư.  
Một khách hàng của ông Nghĩa ở An Giang đến xem trại nấm để chuẩn bị đặt mua hàng.


Ở Đồng Nai cũng khoảng 3 năm, ông tiếp tục chuyển về Hóc Môn (TPHCM) và định cư ở đây 7 năm. Thời gian này ông đã khá nổi tiếng về trồng và bán nấm bào ngư. 
Chưa chịu dừng cuộc hành trình, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông lại quyết định “dời đô” về Cần Thơ lập nghiệp. Năm 1999, ông Nghĩa về Cần Thơ mở cơ sở làm meo nấm rơm và kết hợp làm để phát triên thêm nấm bào ngư. Thời điểm này Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung còn chưa thịnh hành loại nấm này.

Bằng những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm cùng những sáng tạo trong việc tạo nấm, sau 10 năm gầy dựng ở Cần Thơ, hiện ông Nghĩa đã có tất cả 8 trại ủ ấm, mỗi trại có thể chứa khoảng 8.000 bao meo nấm; tổng cộng mỗi đợt ông Nghĩa có 64.000 bao nấm, một năm thu hoạch 2 đợt, cho thu nhập khoảng gần 800 triệu đồng.

Hiện Công ty TNHH Mai Mỹ (trụ sở ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) của ông là nơi cung cấp meo nấm cho khá nhiều đại lý ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Với 30 năm chuyên trồng và bán nấm bào ngư, giờ mong mỏi của ông Nghĩa là được giúp những người nghèo làm giàu, đi lên bằng cây nấm. Hiện cơ sở của ông có khoảng 100 người làm công, lương mỗi tháng chừng 3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, ông Nghĩa còn giúp người làm của mình bằng cách cho mượn vốn để mua và bán meo nấm, mỗi tháng cũng thu được thêm 2-3 triệu đồng. Ông Nghĩa nói, “cho mượn thế thôi chứ nếu họ lỗ lã thì ông cũng không đòi nợ làm gì. Mình giúp được người nào hay người ấy”.

                                                                                                                                               Huỳnh Hải