“Mỗi ngày ít nhất cũng thu hoạch được 40kg, vào những ngày cao điểm thì hơn có thể lên đến 200kg nấm với giá mỗi ký từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng” – Đây là khoản thu nhập hiện tại của gia đình nông dân Bùi Văn Mười ở ấp 5 xã Hòa Phú từ mô hình trồng nấm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc nông dân ở huyện Nhà Bè, do quá trình đô thị hóa, chú Mười cùng với vợ tìm đến vùng đất mới để lập nghiệp. Chú và gia đình đã chọn ấp 5 xã Hòa Phú là quê hương thứ 2 của mình từ năm 1989 cho đến nay với nghề trồng nấm rơm.
Chú chia sẻ: “Khởi nghiệp với số vốn ban đầu chỉ có 5 triệu đồng, công việc làm ăn ngày một trở nên khó khăn hơn khi mới lập nghiệp ở vùng đất mới mà lại thiếu vốn, trong khi đó nghề trồng nấm không phải chỉ có kinh nghiệm là đủ mà đòi hỏi cần phải có vốn đầu tư và đất để trồng. Thấy được khó khăn của gia đình tôi, Hội nông dân xã đã tín chấp cho tôi được vay số vốn là 15 triệu đồng từ nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, vậy là khó khăn về vốn đã được tháo gỡ. Đây quả là niềm vui cũng là động lực tiếp thêm sức mạnh để gia đình tôi yên tâm lao động”.
Từ số vốn vay được cộng với những kinh nghiệm sẵn có trong tay với ý chí quyết tâm vươn lên của người nông dân trên mảnh đất mới, sự ủng hộ của gia đình và sự giúp sức của địa phương, mô hình trồng nấm của chú Mười đã được thực hiện có hiệu quả mang lại thành công bước đầu.
Khi được hỏi về quy trình trồng nấm, chú Mười rất vui khi chia sẽ với người viết về cách trồng của mình chú nói:“Trồng nấm rơm không khó mấy nhưng đòi hỏi người trồng phải siêng năng vì nghề này phải trồng liên tục, do vậy phải chịu khó từ khâu thu gom rơm rạ cho đến xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất, phân liếp, lên dòng như trồng khoai sau đó dùng meo phủ lên, cuối cùng là khâu chăm sóc. Sau 10 ngày thì có thể thu hoạch, nếu trồng đạt một đêm thu hoạch ít nhất là 40kg trở lên. Thời gian thu hoạch cũng là cả một vấn đề vì nấm chỉ thu hoạch vào ban đêm từ 9 giờ tối cho đến 6 giờ sáng. Cho nên chỉ cần sơ xuất một chút là coi như mất trắng”. Qua lời chú, người viết tìm hiểu thêm và được biết nhờ cần cù chịu khó và chí thú làm ăn nên vụ nắm nào cũng đạt kết quả cao, chú đã tích lũy được số vốn kha khá mua một chiếc xe tải và xây một dãy nhà xưởng cho thuê. Hiện tại chú thuê thêm 22.000 m2 đất để trồng nấm. Trong quá trình trồng nhờ ở nhà có xe đi lấy nguyên liệu về làm nên chi phí ít tốn kém, giá cả bỏ mối hiện giờ là từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. Mỗi ngày cũng kiếm được 2 triệu đồng, vào những ngày cao điểm có thể lên đến 10 triệu đồng. Hiện nay gia đình chú hợp đồng tiêu thụ với các tiểu thương chợ Hòa Phú, Sông Bé, Hóc Môn, 3 chợ như vậy khoảng chừng 100 – 120 kg mỗi ngày.
Từ mô hình trồng nấm không những làm giàu cho gia đình mình mà chú còn góp phần giải quyết cho 5 lao động ở địa phương có việc làm ổn định. Ngoài việc trồng nấm rơm, thời gian còn lại chú trồng thêm nấm mèo và nấm bào ngư. Hiện nay thu nhập từ nghề trồng nấm của chú Mười sau khi trừ hết các khoản chi phí còn khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, chú Mười còn mạnh dạn đầu tư vào việc chăn nuôi heo nái để tạo nguồn thu nhập cho gia đình, tính đến thời điểm này đàn heo của gia đình chú có 3 nái và hơn 20 heo thịt.
Ông Lê Thành Chương - Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Phú cho biết: “Chú Bùi Văn Mười là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, chú sẵn sàng hướng dẫn lại những kỹ thuật trồng nấm của mình cho bà con nông dân, các bạn sinh viên trường Đại học mở bán công thành phố Hồ Chí Minh khi các bạn sinh viên có nhu cầu trao đổi học tập kinh nghiệm về trồng nấm. Mặc dù công việc bận rộn nhưng chú vẫn dành thời gian để tham gia các hoạt động của ấp với vai trò là Phó Ban nhân dân ấp 5 và luôn hoàn thành mọi nhiệm vu được giao”.
Với những gì đã đạt được, chú Bùi Văn Mười là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố trong nhiều năm qua, gia đình được công nhận là gia đình văn hóa và bản thân chú là một trong những điển hình gương người tốt việc tốt ở địa phương nhiều năm liền.
Huỳnh Lan